GS Ngô Bảo Châu: “Tâm lý học để đi thi làm hỏng tư duy Toán học của các em”

Tin tức - Xuất bản ngày 05/10/2022

(Dân trí) – “Phương pháp thi Toán trắc nghiệm đã ảnh hưởng khá nhiều về cách học Toán của các em. Chính tâm lý học để đi thi làm hỏng tư duy Toán học của các em”, GS Ngô Bảo Châu nói.

Góp mặt với tư cách khách mời trong chương trình giới thiệu về một dự án Toán học online ngày 5/11, GS Ngô Bảo Châu cùng với người bạn là GS Phùng Hồ Hải (nguyên Viện trưởng Viện Toán học) chia sẻ nhiều thông tin thú vị về dạy và học Toán.

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về việc “Tại sao cần phải học Toán?” (Ảnh chụp màn hình)

GS Ngô Bảo Châu hiện đang ở Mỹ, chia sẻ với các phóng viên báo chí về việc  “Tại sao cần phải học Toán, học Toán có cần cho cuộc sống như vậy không?”.

Ông nói: “Tôi biết nhiều em học sinh rất sợ Toán, đó là một sự thiệt thòi rất lớn cho các em trong cuộc sống. Vì khi học Toán, rất nhiều cánh cửa sẽ mở ra đối với các em khi bước vào đời.

Tôi cho rằng quan trọng là mình dạy cái gì cho các em. Việc chọn đề tài để dạy học rất quan trọng”.

Theo GS Ngô Bảo Châu, ở bậc học cấp 1, Toán học quan trọng nhất là phân số, ở cấp 2 quan trọng nhất là giải phương trình bậc 2. Đây là những phần học Toán không dễ với các em học sinh.

“Thậm chí một số bạn bè ở tuổi tôi cũng không còn nhớ cách giải phương trình bậc 2”, GS cho hay.

Do vậy, GS Châu cho rằng, xây dựng chương trình học Toán phải biết cái gì cần phải học, cái gì “bỏ đi cũng được”.

“Trong thời kỳ dịch bệnh vừa rồi, tôi nhận ra rằng việc dạy online có rất nhiều lợi thế. Mặc dù không thể thay thế được dạy trực tiếp, nhưng việc dạy online đã mở ra chân trời mới.

Giáo dục trong hiện tại và tương lai dựa vào giáo dục qua mạng để phổ biến kiến thức tới đông đảo học sinh là việc đúng và cần thiết”, GS Châu khẳng định.

Mặt khác, GS Ngô Bảo Châu cũng thẳng thắn chỉ ra yếu điểm của cách thức triển khai thi của môn Toán ở trong nước của chúng ta hiện nay.

“Những năm gần đây, thi Toán chuyển qua hình thức trắc nghiệm. Mặt tốt của việc này là học Toán được phụ huynh, học sinh coi trọng. Tuy nhiên phương pháp thi Toán trắc nghiệm đã ảnh hưởng khá nhiều về cách học Toán của các em. Học chỉ để thi trắc nghiệm không tốt cho việc học Toán của các em. Chính tâm lý học để đi thi làm hỏng tư duy Toán học của các em”, GS Châu nói.

GS Phùng Hồ Hải cho rằng, học Toán là để thông minh hơn. (Ảnh chụp màn hình)

GS Phùng Hồ Hải – nguyên Viện Trưởng Viện Toán học cho rằng, bàn về việc “Học Toán để làm gì?”,  nhiều người cho rằng học Toán có ích nên mới học. Tuy nhiên theo GS Hải, ở bậc phổ thông, học sinh học Toán là để thông minh hơn.

“Khi chúng ta biết mục đích này thì chúng ta mới tìm cách để triển khai chương trình học. Học sinh học Toán để có năng lực tư duy, có khả năng mưu sinh trong cuộc sống. Tính toán không chỉ là cộng, trừ, nhân, chia mà là để tư duy. Tiếp đó là nghệ thuật giải quyết vấn đề”, GS Hải cho hay.

GS Hải nhấn mạnh: “Học Toán là để các bạn biết được phương pháp tư duy ứng dụng. Phải xác định được rằng chương trình giáo dục phổ thông môn Toán dùng để làm gì”.

Tiếp lời người bạn cùng đồng hành phát triển Câu lạc bộ Toán Kỳ lân (Unicorn Math Club – UMC) – tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng Toán học, GS Ngô Bảo Châu nói: “Trẻ con cần phải yêu thích học Toán. Đừng bắt học sinh tính toán những bài toán quá phức tạp, những bài toán mẹo mà không rõ là để làm gì cho cuộc sống. Học Toán là để biến những điều phức tạp trở nên đơn giản”.

Ông Phạm Tuấn Anh muốn thành lập một quỹ hỗ trợ ngành Toán tại Việt Nam, với cam kết

tài trợ 100.000 USD/năm. (Ảnh chụp màn hình)

Cũng chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Trường Toán Minh Việt (Minh Việt School of Math – MVSM) nêu vấn đề: “Toán học là một thế mạnh của người Việt, chúng ta cần tận dụng thế mạnh này để bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ. Nếu tận dụng được cuộc cách mạng này, Việt Nam có cơ hội phát triển kinh tế đột phá, đi kèm với rất nhiều lợi ích mang tính chiến lược khác cho tương lai của đất nước và dân tộc.

Để làm được điều này, Việt Nam cần có một lực lượng lao động tri thức có những kỹ năng tương đồng với thế giới. Để có lực lượng đó trong 10-15 năm nữa chúng ta cần bắt đầu chuẩn bị ngay từ giờ”.

Ông Tuấn Anh chỉ ra, ở Việt Nam, thông thường nếu học sinh muốn học Toán bằng tiếng Anh thì hầu như chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể đáp ứng bởi chi phí học tập cao. Tuy nhiên để thúc đẩy sự phát triển của việc học Toán trong nước, ngôi trường của ông Tuấn Anh thu mức học phí 500 USD/năm, tức là gần 42USD/tháng (1,03 triệu đồng/tháng).

Ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ rằng, ông đã “đỡ sợ” môn Toán hơn khi được học Toán kiểu Mỹ vì tính ứng dụng cao. Vì vậy, ông mong muốn trẻ em Việt Nam cũng không còn sợ Toán, bằng cách khiến môn Toán trở nên gần gũi với đời sống hơn.

Ông Tuấn Anh cũng chia sẻ mong muốn thành lập một quỹ hỗ trợ ngành Toán tại Việt Nam, với cam kết tài trợ 100.000 USD/năm (khoảng 2,48 tỷ đồng/năm).