Ở Việt Nam học kiểu Mỹ

Chia sẻ - Xuất bản ngày 04/02/2023

Những ngày cuối năm 2022, khi nhiều người vẫn còn thảo luận về “chuyển đổi số” trong việc dạy và học, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Phạm Tuấn Anh (mà mọi người quý mến gọi là Anh Gấu). Anh là người sáng lập và vận hành trường Minh Việt (MVA), một dự án tại Mỹ dạy trực tuyến chương trình phổ thông của Mỹ dành cho học sinh Việt Nam với chi phí thấp.

1. Ở Việt Nam học ``kiểu Mỹ``

Phóng viên: Là một chuyên gia từng làm việc trong lĩnh vực kinh tế, sau đó là ngoại giao cho Chính phủ Mỹ, vì sao anh quyết định chuyển hướng sang làm việc trong lĩnh vực giáo dục với việc mở trường Minh Việt mà người thân quen hay gọi là trường học Anh Gấu?

Anh Phạm Tuấn Anh: Tôi được sinh ra trong một gia đình làm nghề giáo, cũng từng tham gia giảng dạy cho nhiều chương trình khác nhau nên cá nhân tôi từ sớm đã có sự yêu thích với lĩnh vực này. Bản thân tôi cũng luôn tâm niệm tôi từng là một đứa trẻ nghèo, lớn lên trong giai đoạn Việt Nam còn kém phát triển. Chính vì những cơ duyên trong cuộc đời và tình cảm đặc biệt dành cho quê cha đất mẹ, tôi rất khát khao làm một công việc gì đó thể hiện trách nhiệm, cống hiến cho quê nhà. Từ quan sát, kinh nghiệm và nguồn lực có được, tôi nghĩ việc mở ra một trường học trực tuyến theo chương trình Mỹ, chất lượng Mỹ dành cho trẻ em Việt Nam là điều mà tôi thực sự khát khao làm và có thể làm tốt, mang lợi ích cho các em.

Phóng viên:  Trường học trực tuyến không mới, nhất là sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, để thuyết phục về chất lượng nhất là khi “văn hóa học trực tiếp” vẫn còn nặng, có lẽ anh đã phải có nhiều giải pháp?

Anh Phạm Tuấn Anh: Thật tình chúng tôi mở trường trước đại dịch COVID-19 tới gần một năm. Khi đại dịch diễn ra thì cả thế giới mới choàng tỉnh và thấy sự hữu ích của việc học online thế nào. Chúng tôi không quảng bá rầm rộ, không chạy chiến dịch truyền thông-quảng cáo, không thúc ép phụ huynh đăng ký cho con em theo học. Điều thuyết phục lớn nhất của một trường học, với tôi đó chính là chương trình học, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên, mức học phí phù hợp cho các em ở Việt Nam, bởi giáo dục dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ người có nhiều tiền. Tất nhiên, quan trọng hơn cả sẽ là chất lượng đầu ra, tức là các em học sinh có tiến bộ hơn, giỏi hơn, thông minh hơn, biết cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn…

Anh Phạm Tuấn Anh: Ở Việt Nam, tôi thấy phổ biến chương trình giáo dục theo kiểu Anh, hay còn gọi là hệ Cambridge. Tôi nghĩ mỗi hệ có cái ưu khuyết riêng, và vì Mỹ là một nước phát triển hàng đầu thế giới, tôi cũng từng trải qua môi trường giáo dục của họ, nên tôi nghĩ cần giới thiệu hệ Mỹ cho học sinh Việt Nam. Tôi cảm nhận học hệ Mỹ sẽ chú trọng tính ứng dụng, thực tiễn và đa dạng hơn. Kế hoạch của chúng tôi là hỗ trợ các em học sinh Việt Nam học tiếng Anh và các môn học khác theo hệ Mỹ từ năm 3-4 tuổi đến 18 tuổi, sau đó giúp các em sang Mỹ du học và có thể đủ năng lực để làm việc trong môi trường quốc tế với mức thu nhập hàng trăm nghìn USD mỗi năm.

Để làm được điều đó, chúng tôi phải nhờ đến các chuyên gia về giáo dục tại Mỹ thiết kế chương trình; phải thuê đội ngũ giáo viên Mỹ đảm bảo tâm huyết và chất lượng. Trong khi đó, mỗi gia đình chỉ phải trả ở đâu đó khoảng 6.000 USD (khoảng gần 150 triệu đồng) cho suốt 14 năm học. Phân tích như vậy để thấy dự án này hoạt động như là một tổ chức phi lợi nhuận, chúng tôi không kiếm tiền mà thực sự muốn cống hiến.

2. Hành trang bước ra thế giới

Phóng viên: Thời gian qua, một số người cho rằng học trực tuyến thì tiềm ẩn các rủi ro khi trẻ em dùng máy tính nhiều, hoặc tính tương tác khi học không thể cao như học trực tiếp tại lớp. Quan điểm của anh như thế nào?

Anh Phạm Tuấn Anh: Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng mô hình học trực tiếp hay trực tuyến đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Bạn vào nhà hàng bán phở, thì bạn không thể đòi hỏi phải có bán cháo lòng hay bán cơm được (cười). Chúng ta không thể đòi hỏi việc dạy trực tuyến phải đáp ứng các tiêu chuẩn của lớp học trực tiếp và ngược lại. Tôi nghĩ nhiều phụ huynh lo lắng những nỗi lo vô hình, đôi khi thiếu cơ sở. Việc học trực tuyến trên máy tính thực chất mỗi ngày cũng không nhiều, trong khi Internet, máy tính là những công cụ không thể thiếu trong cuộc sống. Các em ngoài học trực tuyến với thầy cô ở Mỹ, thì vẫn học ở trường tại Việt Nam. Đó là sự bổ khuyết.

Anh Phạm Tuấn Anh: Tôi bắt đầu dùng mạng Internet từ năm 1996, khi cụm từ này còn rất sơ khai. Phải nói rằng học trực tuyến đã giúp tôi đến với rất nhiều chân trời mới, tiếp cận nhiều cơ hội mới, và có được nhiều người bạn mới như chính tôi với anh (PV). Chúng ta không phủ nhận vai trò của việc tương tác trực tiếp, nhưng xu thế học trực tuyến là không thể đảo ngược và chính là tương lai, khi một đứa học sinh ở Việt Nam có thể tiếp cận kiến thức mới của thế giới trong thời gian sớm nhất. Các em cũng có thể biết thêm những người bạn từ tỉnh khác, quốc gia khác; có thể trò chuyện mỗi ngày với thầy cô người Mỹ mà không cần phải đạp xe ra chùa Một Cột để tìm kiếm người Tây tập nói tiếng Anh như tôi mấy mươi năm về trước; có thể tiếp cận các chương trình mà học sinh Mỹ hiện đang học mà không cần phải du học từ sớm khi các em chưa đủ nền tảng, chưa đủ sẵn sàng. Như vậy, nếu như học trực tiếp chỉ cho các em một không gian hạn hữu, chật hẹp với những người quen thuộc xung quanh, thì học trực tuyến giúp các em tiếp cận với không gian cởi mở hơn, rộng rãi hơn, đa dạng hơn, hội nhập hơn, đỡ phải bỡ ngỡ khi sau này các em bước chân ra thế giới.

Như vậy, thay vì nhìn vào hạn chế cố hữu của học trực tuyến, hãy nhìn vào tính ưu việt của mô hình này. Sự phát triển của Internet đưa giáo dục trực tuyến đến từng ngõ ngách, từng gia đình nơi mà ba mẹ cũng có thể ngồi cạnh con để cùng học-cùng vui-cùng chia sẻ. Cứ mỗi người chịu học thì xã hội giảm đi một người tăm tối, ngu muội, giảm đi rủi ro tai nạn, bệnh tật, làm điều sai trái… Giáo dục trực tuyến đã và đang góp phần đắc lực cho triết lý ấy.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng nhiều bạn học sinh ở Việt Nam học rất giỏi, không chỉ tiếng Anh mà còn các môn học khác. Tuy nhiên, các em học ở trường chỉ dừng ở “đối nội”, tức các em học với nhau và trao đổi với những người xung quanh cũng giống các em vì cùng một hệ. Còn khi các em học trực tuyến “xuyên quốc gia”, các em sẽ có xu hướng “đối ngoại” hơn, phải vận dụng tiếng Anh đã học để nói chuyện với người nước ngoài; được tìm hiểu kiến thức và phương pháp học của học sinh quốc tế; được tiếp xúc với con người mới, những chuẩn mực khác; được nhìn thấy nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn – những điều giúp tư duy, kỹ năng, tầm nhìn, sự tự tin vào bản thân của các em phát triển hơn. Hành trang ấy trong thế giới phẳng và hội nhập như hiện nay và tương lai là rất quý báu.

3. Để lại được gì cho các em là hạnh phúc?

Phóng viên: Trong thời gian hơn 3 năm qua, trẻ em học trường học của “Anh Gấu” đã gặt hái được những niềm vui nào, thưa anh?

Anh Phạm Tuấn Anh: Tôi thường xuyên nhận tin nhắn của các em học sinh lẫn phụ huynh, có khi hàng chục tin mỗi ngày. Các em bày tỏ niềm vui khi tự tin nói tiếng Anh với nhau, thậm chí có em tầm 6-7 tuổi gì đó có thể xem chương trình tiếng Anh trên tivi rồi dịch lại cho ba mẹ của mình. Một số em đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi, đạt chứng chỉ tiếng Anh, nhận học bổng du học Mỹ… Với tôi, mỗi tin nhắn ấy là một niềm vui lớn, động lực lớn để đội ngũ chúng tôi tiếp tục phát triển dự án.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, việc tương tác qua học trực tuyến thực tế hiệu quả hơn rất nhiều so với những gì chúng ta có định kiến. Các em kết bạn, trò chuyện, trao đổi, chia sẻ, học tập… cùng nhau và với các thầy cô giáo bên Mỹ rất vui. Học mà tạo ra niềm vui, cảm giác sung sướng thì các em sẽ chủ động và nỗ lực. Nhiều người định kiến với “thế giới ảo”, chỉ ra những sự cố hoặc vụ việc tiêu cực liên quan thế giới ảo, nhưng bản chất thế giới ảo không phải là nguyên nhân. Trái lại, rất rất nhiều hoạt động, mối quan hệ, công việc hiện nay đều nhờ “thế giới ảo” mà vận hành, đạt hiệu quả và mang về lợi ích. Nhìn vào kết quả học tập và niềm hạnh phúc của các em học sinh và gia đình, tôi thấy rõ rằng học tập, tương tác qua “thế giới ảo” đang mang lại những điều tốt đẹp. Tất nhiên, sẽ cần thêm thời gian để nâng cao nhận thức của nhiều người về vấn đề này.

Phóng viên: Từng trải qua nhiều công việc, nhiều khó khăn và cũng đã gặt hái nhiều thành công, việc dấn thân vào lĩnh vực giáo dục có giúp anh học thêm những bài học mới?

Anh Phạm Tuấn Anh: Đến giờ thì tôi quan niệm về hạnh phúc rất đơn giản. Sau cùng thì hạnh phúc là khi chúng ta đứng trước gương, chúng ta không phải thấy chính mình với tiền bạc, danh vọng, địa vị. Với tôi thì những thứ ấy dù chưa phải cao so với rất nhiều người khác, nhưng đã đủ để tôi hài lòng và dành tâm sức cho cống hiến. Hạnh phúc là khi nhìn vào gương, sẽ thấy những người xung quanh chúng ta ai cũng vui vẻ, sống ngay thẳng, làm việc có ích. Ví dụ, chúng ta thấy ba mẹ mình khỏe mạnh, tự hào về con cái; thấy các em học sinh nghèo như mình một thời được học các chương trình cấp tiến, được tiếp cận môi trường quốc tế sớm; thấy mọi người quý trọng nhau, cùng nhau làm những việc có ý nghĩa…

Chúng tôi có một bộ phim hoạt hình “San du ký”, với hình ảnh cậu bé San lớn lên ở vùng quê nghèo, luôn bỡ ngỡ và sợ hãi trước những cái mới; nhưng San có sự chân thành, luôn tò mò về thế giới ngoài kia, và rồi bắt đầu hành trình khám phá những điều mới mẽ. Với chúng tôi, đó là hình ảnh của các em học sinh ở Việt Nam. Và hạnh phúc của chúng tôi là ngày nào “các cậu bé San” sẽ mạnh mẽ bước ra thế giới, sống khiêm nhường, biết mình biết ta, tạo ra những “kênh dẫn những nguồn nước mát lành” của thế giới về “cánh đồng” Việt Nam vốn khô cằn suốt nhiều năm.

Phóng viên: Xin cảm ơn anh.

Anh Phạm Tuấn Anh từng là người phiên dịch cho nhiều chính khách Mỹ, như Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Biden trong chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ (năm 2015); phiên dịch cho Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam năm 2016.

Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, anh làm phiên dịch cho một vị đại biện Mỹ và được giới thiệu, đạt học bổng thạc sĩ tại ĐH Princeton về chính sách công vào năm 1998. Anh từng đến nhiều quốc gia và làm việc tại đó, như Ai Cập, Trung Quốc và lâu nhất là ở Mỹ, điển hình là làm việc cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và tư vấn cho Chính phủ Mỹ.