Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa kỳ Obama (Phần 1 – Bỏ học tiếng Anh ở trung tâm để đi học “Đại học chùa Một Cột“)

Tin tức - Xuất bản ngày 16/11/2022

Có lẽ, khi nhìn lại hình ảnh ông Phạm Tuấn Anh phiên dịch cho tổng thống Obama và Phó Tổng thống Biden trong chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa kỳ hồi tháng 7/2015 hay phiên dịch cho Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016 và bây giờ là Hiệu trưởng trường Minh Việt – một trường học Mỹ trực tuyến, nhiều người sẽ nghĩ ông sinh ra ở vạch đích, từ nhỏ đã được học tập chương trình giáo dục của Mỹ. Nhưng không, ông Phạm Tuấn Anh đích thực là con nhà nghèo, sỉnh ra tại Bắc Ninh (năm 1976) và lớn lên ở Hà Nội.

Số phận đã sắp đặt một cách tài tình cho chàng trai nghèo Việt Nam mới 19 tuổi đã trờ thành chứng nhân của tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ ngay từ buổi đầu. Để rồi, số lần ông tới Nhà Trắng đủ nhiều để có thể quen thuộc với một vài thủ tục, cách thức, con người ở đó.

Ở giữa trung tâm của quyền lực thế giới, lòng ông chưa bao giờ cảm thấy tự hào hay tự mãn, mà luôn là cảm giác biết ơn.

Sự biết ơn những ánh sáng soi đường giúp ông băng qua bao mê cung để đến được nơi đầy hoa thơm, trái ngọt đã khiến ông tự đặt trách nhiệm đạo đức cho mình là phải giúp được nhiều  người Việt Nam đi ra thế giới thành công hơn nữa

Đó là lí do tháng 7/2019, ông sáng lập trường Minh Việt (Minh Việt Academy – MVA) – một trường Mỹ trực tuyến học phí thấp kết nối các giáo viên Mỹ với học trò Việt Nam.

Với tâm niệm hạnh phúc là làm cho người khác hạnh phúc, là sẻ chia và phụng sự, ông Phạm Tuấn Anh cũng đang gấp rút hoàn tất những công việc cuối cùng để khai giảng năm học đầu tiên của trường Toán Minh Việt với khát khao mỗi năm đào tạo chừng 10.000 học sinh Việt Nam giỏi Toán và giỏi  Tiếng Anh với hiểu biết thế giới. Theo ông, hiện nay cả thế giới đang là Toán, tương lai chắc chắn sẽ chỉ là Toán. Phụ huynh cho con học Toán là cho con cơ hội làm chủ thế giới ngày mai.

Dân Việt trò chuyện trân trọng gửi tới bạn đọc câu chuyện của một nhân vật Việt Nam tiêu biểu về lòng trung thành, sự tận tâm, tinh thần hiến dâng cho quê hương. Chúng tôi tin rằng, câu chuyện cuộc đời ông Phạm Tuấn Anh sẽ là nguồn cảm hứng tích cực cho những người trẻ Việt Nam sinh ra trong các gia đình nghèo dũng cảm và quyết tâm bước ra thế giới.

Bỏ học tiếng Anh ở trung tâm để đi học ``Đại học chùa Một Cột``

Thưa ông, để có thể trở thành người phiên dịch cho Tổng thống Hoa Kỳ Obama, hẳn từ nhỏ ông đã được học Tiếng Anh và tiếp cận với chương trình giáo dục Mỹ?

Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ như vậy, nhưng thực tình tôi lớn lên trong một gia đình nghèo. Mặc dù bố mẹ đều là cán bộ ngành giáo dục nhưng khi xưa, trong nhà không bao giờ có tài sản gì quý giá hơn một cái xe đạp cũ và chiếc giường đôi bốn người nằm chung. Tôi lúc lớn lên gầy gò, đói ăn, học hành làng nhàng, không có một thứ gì hữu hình hay vô hình có giá trị cả.

Tôi được bố dạy Tiếng Nga ở nhà từ khi 8 tuổi, nhưng cũng chỉ biết chút ít chứ không giỏi giang gì. Hết lớp 9 là năm 1989, tôi được bố mẹ cho đi học lớp Tiếng Pháp buổi tối, nhưng 6 tháng sau kết quả học tập không ra sao nên bố phạt nghỉ học tiếng Pháp.

Lúc Đông Âu có biến động chính trị, bố tôi cho rằng “Việt Nam chắc sẽ tiến gần hơn với phương Tây” nên đã cho tôi tiền đi học thêm Tiếng Anh ở trung tâm, nhưng đang mê tiếng Pháp, nên tôi học Tiếng Anh không vào.

Tháng 5/1990, tôi và một người bạn cùng lớp phấn khởi tới thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày khai trương. Tình cờ lúc về qua chùa Một Cột, chúng tôi gặp một khách du lịch người Anh đang sống ở Malaysia. Ông ấy khoe là nói được mấy thứ tiếng, tôi rất muốn nói một đơn giản nhưng không thể nói được dù đã học Tiếng Anh mấy tháng.

Lúc đó tự nhiên lòng tôi thấy nhói lên cảm giác áy náy và thương bố mẹ phải chật vật xoay xở tằn tiện từng đồng lương mà mình lại học hành chẳng ra sao. Xấu hổ quá nên tôi quyết định sẽ tự học bằng cách ra khu Lăng Bác và chùa Một Cột để nói tiếng Anh với khách du lịch nước ngoài.

Ồ! Tôi thực sự rất bất ngờ! Vậy ông đã tự học Tiếng Anh như thế nào ở thời điểm đó?

Tôi đã bỏ hết việc học tiếng Anh theo kiểu trường lớp mà chỉ đi học “Đại học chùa Một Cột”. Từ năm 1990 đến năm 1995, ngày nắng cũng như ngày mưa, kể cả năm 1992, sau khi nhập học Đại học Ngoại thương, tôi vẫn dành thời gian cả ngày chủ yếu là ở khu vực có nhiều khách du lịch nước ngoài qua lại này để chơi và nói Tiếng Anh với các bạn Tây ba lô. Chỉ 6 tháng sau tôi nhận ra là Tiếng Anh của mình đã tốt lên không thể tin nổi.

Đôi lúc tôi làm cả công việc của hướng dẫn viên du lịch để kiếm chút tiền tự trang trải và đỡ đần gia đình. Tôi đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên (một tờ 10 USD và một tờ 5 USD) từ công việc này vào năm 1991 lúc giữa năm lớp 12 ở Trường Trung học Chu Văn An.

Vẫn biết thời điểm đó người giỏi Tiếng Anh ở Hà Nội không nhiều, nhưng tại sao khi mới 19 tuổi, ông lại được chọn là người phiên dịch cho Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam?

Những năm 1994-1995, người nói tiếng Anh cập nhật, thứ tiếng Anh sống động của thế giới ở Hà Nội còn ít, tôi còn trẻ lại không quá coi tiền bạc, kiến thức cũng có nên được mời dịch rất nhiều.

Ngay từ năm 1994, tôi bắt đầu làm việc tình nguyện cho Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười (Operation Smile) là tổ chức từ thiện của Mỹ hàng năm gửi các bác sĩ Mỹ sang mổ miễn phí cho trẻ em có dị tật mặt như hở môi, hở hàm ếch.

Cuối năm 1995, sau khi phiên dịch cho các bác sĩ Phẫu thuật Nụ cười tại khách sạn Metropole, Đại biện Hoa Kỳ Desaix Anderson đã khen tôi dịch rất hay và mời tôi phiên dịch cho ông. Tôi thấy vô cùng hân hạnh và nhận lời ngay.

Đó chính là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, biến tôi từ một đứa trẻ long nhong vừa qua tuổi 19, chỉ giỏi chút Tiếng Anh và hay đi dịch dạo kiếm chút tiền giúp mẹ thành một người bắt đầu có ý thức xã hội, bắt đầu học cách áp dụng kiến thức lâu nay đọc được từ sách vở vào phân tích các sự việc xung quanh.

Trong vai trò phiên dịch viên hợp đồng của Phòng Liên lạc Hoa Kỳ trong gần 2 năm cho tới lúc bác Desaix rời Hà Nội (5/1997), tôi được đi cùng bác đến nhiều nơi, gặp nhiều người, nói nhiều chuyện thời đó được coi là thâm cung bí sử. Hai năm làm việc với bác mới chính là hai năm đại học thực sự của tôi. Ở tuổi 19, tôi được tin cậy thay mặt bác nói những lời tình cảm chân thành bằng Tiếng Việt với các vị lãnh đạo Việt Nam.

Từng làm việc cho Phòng Liên lạc Hoa Kỳ và Tổ chức Phẫu thuật nụ cười của Mỹ, chắc hẳn là nền tảng quan trọng để ông nhận được học bổng học cao học tại Mỹ?

Bác Desaix là cựu sinh viên Đại học Princeton và khi quay lại Mỹ, bác đã được mời dạy một khóa học thường niên cho sinh viên đại học Princeton về Việt Nam và Đông Á. Trong chuyến đi đầu tiên của tôi rời Việt Nam sang Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1997, tôi may mắn được tới thăm trường Princeton rồi được gặp Giám đốc Tuyển sinh của trường hành chính công và ngoại giao mang tên Woodrow Wilson (WWS) thuộc Princeton là ông John Templeton. Ông John đã đưa tôi đi tham quan trường và cho tôi tham gia một buổi thảo luận của các sinh viên chương trình mùa hè.

Chuyến thăm này gây ấn tượng với tôi tới mức mà mùa thu năm đó tôi quyết định chỉ nộp đơn duy nhất xin học chương trình MPA (Thạc sĩ về Hành chính Công) của trường WWS.

Mùa xuân năm 1998, ông John đã gửi cho tôi một thư viết tay thông báo về việc tôi đã được nhận vào học. Tháng 8/1998, tôi quay trở lại WWS trong vai trò một tân sinh viên cao học. Thú thực là do có được sự giới thiệu nên tôi được hưởng nhiều thuận lợi khi xin học

Sau khi tốt nghiệp cao học, tôi được biết ông đã đi theo con đường điển hình của những thạc sĩ Hành chính công là làm việc cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Vậy tại sao sau đó ông lại làm việc cho Chính phủ Hoa Kỳ?

Khi đang làm việc cho WB, năm 2011, tôi có thẻ xanh Mỹ thì cũng là lúc mà quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nóng lên nhờ chính sách xoay trục về Đông Á và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tôi nhớ nghề phiên dịch cũ và muốn góp phần thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ nên liên hệ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đó là một bước ngoặt khác quyết định những việc vui của đời tôi trong những năm cuối của chính quyền Tổng thống Obama.

Tới tuổi đó tôi cũng đã đủ lớn khôn, và cũng đã sống ở nước ngoài đủ lâu, nên tôi bắt đầu mong được dồn hết sức giúp đỡ đất nước và người dân Việt Nam chứ không phải đi giúp chung chung người nghèo thế giới nữa.

Con người chuyên môn chính sách công trong tôi cũng đã hiểu rằng phụng sự con người không đơn giản chỉ là mang tới cho họ thực phẩm, nước sạch, hay giáo dục mà tất cả những thứ đó đều cần đặt quanh trọng tâm là phẩm giá con người. Tất cả mọi thứ chúng ta làm trên tiền đề đó, dù là để mang đến cho người ta thực phẩm, sự chăm sóc y tế, hoặc dịch vụ giáo dục đều phải thỏa mãn ý niệm cao quý về cuộc sống đúng nghĩa con người.

Hai năm 2015-2016 mang đến những thành tựu cao nhất của cuộc đời tôi sau khi tốt nghiệp Princeton. Năm 2015, tôi làm phiên dịch viên của Tổng thống Obama khi đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ. Năm 2016, tôi được tháp tùng Tổng thống Obama tới Việt Nam trong chuyến thăm chính thức kéo dài ba ngày.

Chuyến trở về Việt Nam làm phiên dịch cho Tổng thống Obama năm 2016 hẳn là chuyến đi vô cùng quan trọng trong cuộc đời ông?

Chuyến đi về Việt Nam tháng 5/2016 đánh dấu chặng đường 20 năm kể từ lúc tôi may mắn được tham gia đóng góp chút công sức nhỏ bé vào quá trình hai nước bình thường hóa quan hệ khi được mời làm phiên dịch cho Đại biện Mỹ tại Hà Nội trong nhiều cuộc gặp quan trọng.

Tổng thống Obama, với tư cách là người da màu đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, cũng có xuất thân tương đối khiêm tốn và kinh nghiệm làm việc công ích, cộng đồng giống như tôi và vì thế, ngay từ khi ông nhậm chức lần đầu, tôi đã coi ông như một nguồn cảm hứng tích cực. Riêng việc tháp tùng một Tổng thống Hoa Kỳ trong một chuyến thăm kiểu “về quê” đã là một vinh dự, nhưng vinh dự đấy còn to lớn hơn khi Tổng thống Hoa Kỳ đó lại là người mà mình và người dân nước mình quý mến.

Là người có trách nhiệm chuyển tải các bài diễn văn sang tiếng Việt, tôi có quyền quyết định xem các dẫn chiếu văn hóa có “phiên dịch được” không, có ý nghĩa, có bị nhạy cảm về văn hóa, chính trị không, có phù hợp nhất quán với nhau trong chỉnh thể không.

Vài tháng trước đó, tôi đã gửi tới người được phân công viết bài diễn văn của Tổng thống ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia hai câu thơ từ truyện Kiều mà tôi đã nói là “nếu Tổng thống chỉ đọc bài phát biểu chỉ gồm hai câu thì tôi muốn hai câu đó chính là hai câu thơ này”. Hai câu đó chính là hai câu:”Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” mà tôi dịch sang tiếng Anh thành: “Please take from me this token of trust/ So we can embark upon our 100-year journey together”. Nghĩa là: “Xin hãy nhận từ tôi vật làm tin này/ Để chúng ta có thể khởi hành chuyến đi trăm năm cùng nhau”.

Những bài phát biểu kiểu này hay bị coi là lời nói mỹ miều ít có ý nghĩa thực chất. Tuy nhiên, người Mỹ khi đã hứa thì xuất phát từ góc độ danh dự quốc gia phần nào vẫn bị trói buộc vào lời hứa đó. Một lời hứa được soạn và trình bày đúng cách có thể được coi như một thứ hợp đồng đơn phương có giá trị lâu dài giữa người đại diện quốc gia hùng mạnh thứ nhất thế giới với người dân Việt Nam. Nếu được thế thì lời hứa đó có thể trở thành nền tảng quyết định đường hướng của quan hệ hai nước trong nhiều năm sau.

Hiểu được tầm quan trọng và vai trò đặc biệt thú vị của những lời hứa trong diễn văn đối với quan hệ giữa hai nước, giữa hai nhân dân, tôi đã cố gắng vận dụng hiểu biết của mình về tâm lý dân tộc của mỗi nước để tạo ra một thứ thông điệp vừa mạnh mẽ, kiêu hãnh, duy lý, hào sảng kiểu Mỹ lại vừa đằm thắm, duy tình, trọng nghĩa, rưng rưng kiểu Việt Nam.

Rất may mắn cho tôi, ông Obama là người có sẵn cái tình để hiểu những lời nhân ái tình nghĩa kiểu này để chấp nhận nói những lời hứa hẹn việc trăm năm. Nhiều năm về sau này, ngay cả khi Tổng thống Obama không còn tại vị nữa, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, vào những lúc quan hệ hai nước có khó khăn, người ta có thể mang hai câu này ra để làm bằng chứng cho lời hứa trăm năm và người Mỹ trọng truyền thống và lời hứa ở cấp cao sẽ hành xử thích hợp với tinh thần của lời hứa đó.

Còn tiếp phần 2